THÁNH LỄ QUÁ NHÀM CHÁN?
“Thánh Lễ quá chán!”
Bao nhiêu lần các bậc cha mẹ nghe câu nói này từ con cái mình vào buổi sáng Chúa Nhật? Bao nhiều lần các giáo viên và giáo lý viên của chúng ta nghe câu này khi chuẩn bị cho các em dự Lễ? Và, chúng ta cũng hãy công nhận điều đó, bao nhiêu lần chúng ta nói câu ấy với chính bản thân mình?
Chúng ta nói gì về câu nói đáng tiếc và phạm thượng đó?
À, đối với một số người, chúng ta chỉ đơn giản trả lời, Không, không phải thế! Bạn có thể thấy Thánh Lễ nhàm chán, nhưng, đó là vấn đề của bạn nhiều hơn là sai lỗi của Thánh Lễ.
Chúng ta cũng có thể thấy nhiều hoạt động quan trọng khác trong cuộc sống “nhàm chán”: đi gặp nha sỹ có thể là như vậy; các bệnh nhân thận nói với tôi rằng đi lọc thận ba lần một tuần thì chán ngán vô cùng; bầu cử thì không có chỗ cho những nụ cười. Nhưng, tất cả ba điều trên đều rất ý nghĩa cho phần hạnh phúc của chúng ta, và giá trị của chúng thì gần như không lệ thuộc vào chúng ta có được phấn chấn hay không khi thực hiện chúng. Thánh Lễ thậm chí còn quan trọng cho sức khoẻ của linh hồn chúng ta hơn là những ví dụ này.
Sự chán nản là vấn đề của chúng ta, và các nhà bình luận xã hội nói với chúng ta ngày nay, quá quen thuộc với những âm thanh 32-bit, hoặc chuyển kênh khi chúng ta phát ngáp đối với một chương trình, quá nhạy cảm với sự chán ngán.
Tạ ơn Chúa, giá trị của một con người hay một sự kiện không lệ thuộc vào khuynh hướng của nó mà đôi khi khiến chúng ta “chán ngán”. Con người và các sự kiện có ý nghĩa tồn tại không phải là để làm cho chúng ta hưng phấn, trừ phi chúng ta là những đứa trẻ tự mãn và hư hỏng!
Điều này đặc biệt đúng với Hy Tế Thánh Thiện của Thánh Lễ. Chúng ta tin rằng mọi Thánh Lễ đều là sự canh tân của một sự kiện quan trọng và chính yếu nhất đã từng diễn ra: hy tế vĩnh cửu và trường tồn của lời ca tụng của Chúa Con, Chúa Giêsu, đối với Chúa Cha, trên thập giá trên đỉnh đồi Can-vê vào ngày Thứ Sáu gọi là “Tốt lành”.
Hãy nghĩ về điều này, những người lính La Mã cũng đã “chán ngán” ở đó, khi họ lăng mạ Chúa Giêsu và bốc thăm chiếc áo choàng của Ngài, tài sản duy nhất mà Ngài có.
Điều thứ hai, chúng ta gần như không đi Lễ để giải trí, mà là cầu nguyện. Nếu các bông hoa trên bàn thờ là đẹp, nếu âm nhạc là tốt lành; nếu máy điều hoà hoạt động tốt; nếu bài giảng ngắn gọn và ý nghĩa; nếu những người cùng dự lễ thân thiện…tất cả chắc chắn sẽ làm nên ý nghĩa.
Nhưng, Thánh Lễ vẫn có ý nghĩa khi tất cả những điều trên vắng bóng – và, đáng buồn thay, chúng thường vắng bóng!
Bởi vì, Thánh Lễ không phải là về chúng ta, mà là về Thiên Chúa. Và giá trị của Thánh Lễ xuất phát từ niềm xác tín đơn sơ nhưng sâu sắc của chúng ta, dựa trên niềm tin, rằng, một giờ vào ngày Chúa Nhật, chúng ta là thành phần của một điều vượt quá xa, được nâng lên tới sự vĩnh cửu, một sự dự phần vào một mầu nhiệm, như khi chúng ta hiệp nhất với Chúa Giêsu trong lời tạ ơn, yêu thương, hoà giải, và hy tế mà Ngài dâng lên Cha Ngài trong vĩnh cửu. Điều mà Chúa Giêsu luôn luôn thực hiện, và sẽ không bao giờ nhàm chán. Thánh Lễ không phải là một công việc vặt vãnh nhàm chán mà chúng ta làm cho Thiên Chúa, mà là một phép lạ mà Chúa Giêsu thực hiện với và vì chúng ta.
Một quý anh mới đây kể cho tôi nghe về bữa ăn tối gia đình vào Chúa Nhật của anh, trung tâm của cả tuần kể từ khi anh lớn lên. Đồ ăn thật quá ngon vì mẹ anh nấu ăn quá giỏi, và bàn tiệc quá hạnh phục vui vẻ vì cha của anh luôn hiện diện ở đó!
Ngay cả sau khi anh lập gia đình và đã có con cái, tất cả đều đi đến nhà cha mẹ để ăn bữa tối Chúa Nhật đó. Khi con cái của anh lớn lên một chút thì chúng hỏi là “liệu chúng có phải đi”, bởi vì, đúng, bởi vì, đôi khi chúng cảm thấy “nhàm chán”. Đúng, bạn, đúng là thế, như anh có lẽ đã trả lời, bởi vì chúng ta không chỉ đến đó vì đồ ăn, mà là vì tình yêu, vì mẹ và cha đang ở đó!
Anh đã khóc khi gợi nhắc về điều ấy, bởi cha mẹ giờ đã già, đồ ăn không còn ngon và việc đồng hành không còn sống động nữa, nhưng anh sẽ không bao giờ quên, bởi vì Ngày Chúa Nhật đó đã có một chiều sâu ý nghĩa ngay cả khi mẹ làm món mì bị cháy và cha thì ngủ gật.
Và bây giờ, anh kết luận, anh sẵn sàng trả bất cứ giá nào để được đến đó, bởi vì mẹ thì đã qua đời, còn cha thì ở trong nhà.
Và giờ thì đến lượt anh và vợ anh tổ chức buổi ăn ấy, và anh hy vọng là ba đứa con của anh một ngay nào đó cũng sẽ mang những người bạn đời của chúng đến bàn tiệc Chúa Nhật của họ.
Hãy xem, giá trị của bữa tối Chúa Nhật đó không lệ thuộc vào độ ngon của thực phẩm thế nào; vào độ mắc của rượu vang thế nào; vào mức độ hấp dẫn của cuộc trò chuyện thế nào. Tất cả điều đó chắc chắn là sẽ có ý nghĩa, nhưng ngay cả không có những điều ấy thì sự kiện ấy vẫn có một giá trị thật.
Cũng thế đối với bữa ăn tối Chúa Nhật của gia đình thiêng liêng của chúng ta: Thánh Lễ.
Một số người nghĩ đến một môn thể thao ở Sân Vận Động Yankee thì chán ngắt; một số lại xem nhạc đồng quê là chán ngắt; một số nói cho tôi biết là các giá trị như tình bạn, công việc tình nguyện, gia đình, lòng trung thành, sự rộng lượng, và lòng ái quốc là “xưa rồi” và không còn “hứng thú”.
Tôi nói là họ có vấn đề!
Và một số người nói với tôi “Thánh Lễ quá nhàm chán….
ĐHY Timothy Dolan
Joseph C. Pham (Chuyển ngữ từ cardinaldolan.org)