Những quy định về cử hành Thánh lễ từ tiền Công đồng đến Tự sắc “Traditionis custodes”
Hôm thứ Sáu 16/7/2021, Đức Thánh Cha đã cho công bố Tự sắc “Traditionis custodes – Những người gìn giữ truyền thống”, về việc sử dụng phụng vụ Roma trước năm 1970. Nhân dịp này, chúng ta cùng nhìn lại những quy định của Giáo hội về cử hành Thánh lễ từ tiền Công đồng Vatican II đến nay.
Ngọc Yến – Vatican News
Trước Công đồng Vatican II
Trong thời gian trước Công đồng Vatican II, tức là trước năm 1962, năm khai mạc Công đồng, hay đúng hơn, trước khi Công đồng công bố Hiến chế về Phụng vụ (Sacrosanctum Concilium), ngày 4/12/1963, giáo dân tham dự vào việc cử hành phụng vụ được thực hiện theo những sách phụng vụ và nghi lễ từ Công đồng Trentô (1545-1563) và sau đó là Sách lễ Roma của Thánh Piô V năm 1570: Tất cả phụng vụ được cử hành bằng tiếng Latinh; các thừa tác viên là linh mục, phó tế, phụ phó tế, và các chức nhỏ như thầy giúp lễ, đọc sách, trừ quỷ và giữ cửa. Vai trò của ca đoàn được coi trọng và hát những bài thánh ca trong phụng vụ bằng tiếng Latinh và đôi khi là những bài thánh ca nhiều bè. Lời Chúa cũng được công bố bằng tiếng Latinh.
Sau Công đồng Vatican II
Ngày 04/12/1963, văn kiện đầu tiên của Công đồng Vatican II được công bố là Hiến chế về Phụng vụ (Sacrosanctum Concilium). Với Hiến chế này, Công đồng đã muốn đánh giá đúng mức việc cử hành phụng vụ, vì là “chóp đỉnh” mọi sinh hoạt của Giáo Hội và là “nguồn” mọi sức mạnh và ơn thánh cho Giáo Hội. Hiến chế cũng nhấn mạnh tới việc tham gia tích cực của tín hữu vào buổi cử hành phụng vụ. Lời Chúa cũng là một ưu tư lớn của Công đồng trong các buổi cử hành phụng vụ. Từ đây, sinh hoạt phụng vụ trong Giáo hội có những đổi thay.
Năm 1970, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nỗ lực thực hiện cuộc canh tân phụng vụ của Công đồng Vatican II hầu có thể giúp dân Chúa hiểu rõ hơn nữa kinh nghiệm cử hành và tham dự Thánh lễ cũng như thấm nhuần cách thức cử hành và tham dự Thánh lễ. Sách lễ của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã có nhiều thay đổi so với ấn bản trước, đáng chú ý nhất chính là việc sử dụng ngôn ngữ địa phương thay thế cho tiếng Latinh vốn là ngôn ngữ duy nhất để cử hành Thánh lễ.
Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI với Tự sắc “Summorum Pontificum” năm 2007
Ngày 07/7/2007, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã gửi thư cho các Giám mục Công giáo trên toàn thế giới để giới thiệu Tự sắc Summorum Pontificum, về việc sử dụng Sách lễ Roma do Đức Piô V ban hành và sau được Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII tái công bố vào năm 1962 trước khi có cuộc cải tổ năm 1970.
Tự sắc Summorum Pontificum được ban hành, trước hết nhằm thể hiện mối quan tâm mục vụ cho các tín hữu ở một số miền đã và đang gắn bó với lòng yêu mến cao độ những hình thức phụng vụ trước đây, vốn ăn sâu trong văn hóa và tinh thần của họ. Thứ đến, tuy Huynh đoàn Piô X của Tổng Giám mục Marcel Lefevre không được nhắc đến trong Tự sắc nhưng ai cũng hiểu rằng văn kiện này được xem như một trong những nỗ lực đưa Huynh đoàn này trở về hiệp thông với Giáo hội Công Giáo Roma. Huynh đoàn Piô X do Tổng Giám mục Lefevre thành lập năm 1970. Huynh đoàn này mạnh mẽ bảo vệ Thánh lễ Latinh truyền thống, khước từ phụng vụ năm 1970, và có nhiều quan điểm đối lập với Giáo hội Công giáo, đặc biệt là một số giáo huấn của Công Đồng Vatican II.
Nghi thức Thánh lễ thông thường và ngoại thường
Với Tự sắc này, có sự phân biệt giữa Nghi thức ngoại thường của Sách lễ Roma năm 1962 và Nghi thức thông thường của Sách lễ Roma năm 1970.
Nghi thức ngoại thường của Sách lễ Roma năm 1962
Nghi thức ngoại thường hay còn được gọi là nghi thức Latinh. Qua nhiều thế kỷ, Sách lễ với Nghi thức Latinh này đã được tu chính nhiều lần cho đến năm 1962.
Nghi thức thông thường của Sách lễ Roma năm 1970
Sau Công đồng Vatican II, Sách lễ Roma với Nghi thức mới đã được Thánh Giáo hoàng Phaolô VI ban hành năm 1970 cho phép việc cử hành phụng vụ Thánh lễ bằng các ngôn ngữ địa phương thay vì hoàn toàn bằng tiếng Latinh như trước đây. Nghi thức mới này được gọi là hình thức thông thường. Nghi thức mới này đã được áp dụng trong phụng vụ của Giáo Hội kể từ năm 1970 cho đến nay.
Không có mâu thuẫn giữa nghi thức ngoại thường và thông thường
Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức nhận định rằng không có mâu thuẫn giữa hai nghi thức và lịch sử của các sách phụng vụ mang tính chất tăng trưởng và tiến triển, chứ không có tính đoạn tuyệt với quá khứ. Điều mà các thế hệ đi trước coi là thánh thiêng thì vẫn còn thánh thiêng và cao cả cho chúng ta, và không thể đột nhiên bị cấm hoàn toàn hoặc còn bị coi là có hại. Tất cả chúng ta cần bảo tồn những gì phong phú đã được thành hình trong đời sống đức tin và cầu nguyện của Giáo hội, và đặt chúng ở vị trí xứng hợp.
Trong cả hai nghi thức ngoại thường và thông thường của Sách lễ Roma, Giáo hội mong ước điều này hơn cả, đó là tín hữu tham gia một cách trọn vẹn, ý thức và tích cực. Trong cả hai nghi thức, cần bắt đầu bằng một sự tham gia nội tâm vào hy lễ của Đức Kitô, mà cộng đoàn tụ họp cùng với những kinh nguyện và nghi lễ phải quy hướng về.
Nghi thức thông thường đạt đến điều này qua việc lắng nghe và đáp trả lại những kinh nguyện trong Thánh lễ bằng ngôn ngữ địa phương, và qua việc tham gia vào hành vi có tính cộng đồng.
Nghi thức ngoại thường thì đạt đến điều này phần lớn là qua việc nghe những kinh nguyện bằng tiếng Latinh và theo dõi những lời nói và việc làm của linh mục và hợp lòng với “những gì linh mục đọc nhân danh Đức Kitô và những gì Đức Kitô nói với linh mục”.
Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đã nhiều lần nhắc lại rằng Tự sắc Summorum Pontificum không làm giảm những cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II.
Tự sắc “Traditionis custodes” của Đức Thánh Cha Phanxicô
Vào ngày 16/7/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tự sắc Traditionis custodes, quy định về việc cử hành Thánh lễ theo nghi thức phụng vụ Latinh cũ, tiền Công đồng hay còn gọi là nghi thức ngoại thường.
Trước khi công bố Tự sắc này, Đức Thánh Cha đã có những bước chuẩn bị:
Vào tháng 01/2019, Đức Thánh Cha đã quyết định bãi bỏ Ủy ban Tòa Thánh “Ecclesia Dei – Giáo hội của Thiên Chúa”, lo về Huynh đoàn Piô X và sáp nhập vào Bộ Giáo lý Đức tin. Ủy ban được Thánh Gioan Phaolô II thành lập năm 1988, để cộng tác với các Giám mục và các cơ quan trung ương Tòa thánh, hầu tạo điều kiện dễ dàng cho sự hiệp thông hoàn toàn của các linh mục, chủng sinh, tu sĩ nam nữ thuộc Huynh đoàn Piô X với Giáo hội.
Vào năm ngoái, 2020, theo ý muốn của Đức Thánh Cha, Bộ Giáo lý Đức tin đã yêu cầu các giám mục tường trình cho Tòa Thánh thông qua một bảng câu hỏi về việc áp dụng Summorum Pontificum trong các giáo phận của các ngài. Đức Hồng y Luis Francisco Ladaria Ferrer, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, viết cho các giám mục khắp nơi trên thế giới, yêu cầu gửi câu trả lời của họ trước ngày 31/7/2020 như sau: “Mười ba năm sau khi công bố Tự sắc Summorum Pontificum do Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI ban hành, Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn được thông báo về việc áp dụng hiện tại của văn kiện nói trên”.
Một vài phản ứng về tự sắc Traditionis custodes
Sau khi Tự sắc Traditionis custodes được công bố, đã có một số nhận xét về nội dung của văn kiện:
Trước hết, Đức Hồng y Joseph Zen Ze-kiun, nguyên Giám mục Hồng Kông, nhận xét rằng: “Tự sắc Summorum Pontificum liên kết chúng ta với anh chị em của chúng ta ở mọi thời đại, với các thánh và các vị tử đạo mọi thời đại, với những người đã chiến đấu cho đức tin của họ và những người đã tìm thấy trong đó là một nguồn nuôi dưỡng tinh thần vô tận”.
Đức Hồng y Robert Sarah, nguyên Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, cũng đã nhận xét rằng: “Tuân theo Tự sắc Summorum Pontificum, mặc dù có những khó khăn và kháng cự, Giáo hội đã bắt đầu con đường cải cách phụng vụ và thiêng liêng, tuy chậm nhưng không thể đảo ngược”.
Một số người thì cho rằng, sự can thiệp của Đức Thánh Cha Phanxicô đã đảo ngược Summorum Pontificum năm 2007. Đức Biển Đức cho phép cử hành nhiều Thánh lễ theo nghi thức trước Công đồng Vatican II hơn, cho phép cử hành Nghi thức cũ ở bất cứ đâu khi một nhóm tín hữu yêu cầu. Nhưng với quy định mới, linh mục cử hành Nghi thức cũ phải có phép của Giám mục, trong khi bất kỳ linh mục nào được phong chức sau Tự sắc mới phải gửi đơn xin Giám mục và chính Giám mục trước khi cho phép phải hỏi ý kiến Tòa Thánh. Sự can thiệp của Đức Thánh Cha Phanxicô làm cho phụng vụ Latinh trở thành ngoại lệ, thay vì là chuẩn mực. Quyết định mới của Đức Thánh Cha cũng phản bác lập luận đã phát triển trong một số Giáo hội và nơi một số hồng y cho rằng nghi thức cũ, được gọi là “Hình thức ngoại thường”, có thể cùng tồn tại và ảnh hưởng đến các cử hành bình thường của phụng vụ.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha đã quyết định rằng phụng vụ xuất hiện sau những cải cách của Công đồng Vatican II 1962-65 là “cách diễn đạt duy nhất” của Nghi thức Roma, và không sử dụng cụm từ “Hình thức ngoại thường”. Ngài cũng nói rằng một trong những điều kiện để cử hành Thánh lễ trước Công đồng Vatican II là “các nhóm không phủ nhận tính hợp lệ và hợp pháp của cuộc cải cách phụng vụ, do Công đồng Vatican II đưa ra”.
Nghi thức cũ yêu cầu các linh mục phải đọc những lời cầu nguyện trong Thánh lễ Latinh, thường không nghe được và đọc trong khi quay quay lưng về phía giáo dân. Mặc dù nhiều người được lôi cuốn bởi cách cử hành chiêm niệm, Nghi thức cũ cũng đã trở thành một điểm tập hợp cho những người bất đồng quan điểm với Đức Thánh Cha Phanxicô và phản đối Công đồng Vatican II.
Đức Thánh Cha giải thích trong một lá thư gửi các Giám mục cùng với Tự sắc Traditionis Custodes, là ngài rất đau buồn, Thánh lễ Latinh “được đặc trưng bởi sự từ chối không chỉ cải cách phụng vụ, mà còn của chính Công đồng Vatican II, tuyên bố không có căn cứ và những khẳng định không vững chắc rằng nó phản bội Truyền thống và ‘Giáo hội đích thực’”.
Đức Thánh Cha nói rằng hồ nghi Công đồng là “nghi ngờ chính Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn Giáo hội”. Ngài giải thích rằng phụng vụ của Giáo hội đã được điều chỉnh nhiều lần trong suốt nhiều thế kỷ theo nhu cầu của thời đại, không chỉ được bảo tồn nhưng được đổi mới trong sự tuân thủ sự trung thành với Truyền thống. Thánh Gioan Phaolô II và Đức Biển Đức XVI đã tìm cách “khôi phục sự hợp nhất của một cơ thể Giáo hội với những nhạy cảm phụng vụ đa dạng” bằng cách đưa ra các quy định cho việc cử hành Nghi thức cũ. Nhưng theo Đức Thánh Cha, những nỗ lực của hai Giáo hoàng nhằm mang lại sự hiệp nhất đã “bị lợi dụng để nới rộng khoảng cách, củng cố sự khác biệt, và khuyến khích những bất đồng gây tổn hại cho Giáo hội, cản trở con đường của Giáo hội và khiến Giáo hội gặp nguy cơ chia rẽ”.
Mặc dù đã được dự đoán trước đó, nhưng quyết định của vị Giáo hoàng 84 tuổi đã khiến các nhà quan sát của Giáo hội ngạc nhiên vì cách dứt khoát mà ngài đã đảo ngược quyết định từ vị tiền nhiệm. Những người theo truyền thống đã phản ứng với tin tức này và mô tả nó là “gây sốc và đáng sợ”.
Tuy nhiên, quyết định của Đức Thánh Cha về Thánh lễ Latinh truyền thống phù hợp với quan điểm của Thánh Phaolô VI, người đã hướng dẫn Công đồng Vatican II đi đến kết luận và tìm cách thực hiện các cải cách của nó. Thánh Phaolô VI, theo một chuyên viên về phụng vụ của Vatican, chỉ dự tính Nghi thức cũ cho các linh mục hấp hối hoặc bị bệnh.