Kinh Truyền Tin (29/8): Không đổ lỗi nhưng học cách nhận lỗi
Trưa Chúa nhật, 29/8/2021, Đức Thánh cha Phanxicô chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với hơn 3.000 tín hữu hành hương tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng theo thánh Maccô, phụng vụ Chúa nhật XXII thường niên năm B, thuật lại việc Chúa Giêsu khiển trách một số người Pharisêu và kinh sư coi trọng những nghi lễ bên ngoài.
Ngọc Yến – Vatican News
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha:
Phải đưa đức tin trở lại trung tâm
Tin Mừng Chúa nhật tuần XXII Thường niên cho thấy một số người Pharisêu và kinh sư ngạc nhiên trước thái độ của Chúa Giêsu. Họ lấy làm chướng mắt khi thấy các môn đệ dùng bữa nhưng không thực hiện các nghi thức truyền thống. Họ nghĩ cách làm này của các môn đệ là trái với thực hành tôn giáo. Chúng ta cũng có thể tự hỏi: nhưng tại sao Chúa Giêsu và các môn đệ bỏ qua các truyền thống này? Về cơ bản những truyền thống này không xấu, nhưng chỉ là những tập quán nghi lễ tốt, rửa tay sạch trước khi dùng bữa. Nhưng tại sao Chúa Giêsu không chú ý đến điều này? Bởi vì đối với Chúa điều quan trọng là phải đưa đức tin trở lại trung tâm của nó. Trong Tin Mừng chúng ta luôn thấy điều này: đưa đức tin trở lại trung tâm. Hãy tránh rơi vào nguy cơ này, đối với các kinh sư cũng với chúng ta, đó là: tuân giữ các nghi thức bên ngoài trong khi đặt trọng tâm của đức tin ở vị trí thứ yếu. Chúng ta cũng hay trang điểm cho linh hồn… theo hình thức bên ngoài và không quan tâm đến trọng tâm của đức tin. Đó là nguy cơ của một tôn giáo bề ngoài: tỏ ra tốt đẹp bên ngoài, nhưng lại bỏ qua việc thanh tẩy tâm hồn. Luôn có cám dỗ thực hiện một số việc sùng kính bên ngoài, nhưng Chúa Giêsu không hài lòng với việc thờ phượng này. Chúa không muốn hình thức bên ngoài, Chúa muốn một đức tin chạm đến con tim.
Thực vậy, ngay sau đó, Chúa gọi đám đông dân chúng để nói một chân lý tuyệt vời: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được” (c 15). Nhưng “từ bên trong, từ lòng người” (c 21) phát xuất những ý định xấu. Những lời này mang tính cách mạng, bởi vì vào thời đó, tâm thức con người cho rằng một số thức ăn hoặc sự tiếp xúc bên ngoài làm cho người ta ra ô uế. Chúa Giêsu lật đổ quan điểm đó: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra là cái làm cho con người ra ô uế.
Dành thời gian để đổ lỗi cho người khác là lãng phí thời gian
Anh chị em thân mến, điều này cũng có liên quan đến chúng ta. Thường chúng ta nghĩ rằng điều xấu chủ yếu đến từ bên ngoài: từ cách cư xử của người khác, từ những người nghĩ xấu về chúng ta, từ xã hội. Nhiều lần chúng ta đổ lỗi cho người khác, cho xã hội, cho thế giới, cho tất cả những gì xảy ra với chúng ta! Lỗi luôn là của “người khác”: của dân chúng, của người lãnh đạo, của rủi ro. Các vấn đề dường như luôn đến từ bên ngoài. Và chúng ta dành thời gian để đổ lỗi; nhưng dành thời gian để đổ lỗi cho người khác là lãng phí thời gian. Điều này làm cho chúng ta giận dữ, chua ngoa và làm con tim chúng ta xa Chúa. Giống như những người trong Tin Mừng, họ than phiền, gây cớ vấp phạm, tranh luận và không đón tiếp Chúa Giêsu. Chúng ta không thể là Kitô hữu luôn than phiền: giận dữ, oán hận và buồn chán đóng cửa lòng trước Chúa.
Để chiến thắng cái ác: bắt đầu chinh phục nó bên trong chính mình
Hôm nay chúng ta cầu xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi việc đổ lỗi cho người khác. Chúng ta cầu xin ân sủng để không lãng phí thời gian làm ô nhiễm thế giới với những lời phàn nàn, bởi vì đây không phải là Kitô hữu. Tốt hơn, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào cuộc sống và thế giới khởi đi từ tâm hồn chúng ta. Nếu chúng ta nhìn vào bên trong, chúng ta sẽ thấy hầu hết mọi thứ chúng ta ghét, nó không ở bên ngoài. Và nếu chúng ta thành tâm cầu xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng ta, thì chúng ta sẽ bắt đầu làm cho thế giới trong sạch hơn. Bởi vì có một cách không thể sai lầm để chiến thắng cái ác: bắt đầu chinh phục nó bên trong chính mình.
Khi các Giáo phụ, các đan sĩ được hỏi: “Đâu là con đường nên thánh? Tôi phải bắt đầu như thế nào?”. Các vị trả lời: Bước đầu tiên là phải nhận lỗi về mình. Có bao nhiêu người trong chúng ta, vào lúc nào đó trong ngày hoặc trong tuần, có khả năng tự nhận lỗi về mình? Đây là sự khôn ngoan: học nhận lỗi về mình. Anh chị em hãy cố gắng làm điều này, nó sẽ làm anh chị em tốt hơn.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã thay đổi lịch sử nhờ sự tinh tuyền của tâm hồn, giúp chúng ta thanh tẩy chính mình, trước hết là vượt qua việc đổ lỗi cho người khác và phàn nàn về mọi thứ.
—
Sau khi đọc kinh Truyền tin và phép lành, Đức Thánh Cha bày tỏ sự lo ngại về tình hình ở Afghanistan, đặc biệt là những cuộc tấn công tự sát làm cho nhiều người chết hôm thứ Năm vừa qua. Ngài nói: “Tôi phó thác những người qua đời cho lòng thương xót Chúa. Tôi cám ơn những ai đang làm việc để giúp đỡ dân tộc đang gặp thử thách này, đặc biệt các phụ nữ và trẻ em. Tôi xin mọi người tiếp tục trợ giúp những người đang gặp khó khăn, và xin cầu nguyện để đối thoại và tình liên đới dẫn đến thiết lập một sự chung sống hòa bình và huynh đệ, và niềm hy vọng cho tương lai của đất nước. Trong thời khắc lịch sử này, chúng ta không thể dửng dưng: lịch sử của Giáo hội dạy chúng ta điều này. Là Kitô hữu, hoàn cảnh này đòi buộc chúng ta phải dấn thân. Vì vậy, tôi kêu gọi tất cả anh chị em gia tăng cầu nguyện, ăn chay và sám hối. Đây là lúc làm điều này. Tôi nói nghiêm túc: gia tăng cầu nguyện và ăn chay, cầu xin Thiên Chúa lòng thương xót và sự tha thứ”.
Tiếp theo, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các thành viên của Phong trào Laudato Si’ và cám ơn vì những dấn thân của họ cho Ngôi nhà chung của chúng ta, đặc biệt trong Thời gian của Thụ tạo sắp tới.
Sau cùng, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các tín hữu hành hương đến từ nhiều quốc gia, và chúc mọi người ngày Chúa nhật an lành và xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.