Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung ngày 4/8/2021, Đức Thánh Cha cảnh báo: “Đôi khi chúng ta đã thấy trong lịch sử, và chúng ta cũng thấy ngày nay, một số phong trào rao giảng Tin Mừng theo cách riêng của họ, đôi lúc với những đặc sủng đích thực, thích hợp; nhưng sau đó họ phóng đại và giảm toàn bộ Tin Mừng thành ‘phong trào'”.
Hồng Thủy – Vatican News
Sau một tháng nghỉ hè và cũng trùng hợp với thời gian một tháng tịnh dưỡng sau khi được phẫu thuật đại tràng vào ngày 4/7/2021, sáng thứ Tư ngày 4/8/2021 Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp kiến chung đầu tiên sau kỳ nghỉ.
Trong bài giáo lý tại đại thính đường Phaolô VI, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát mà ngài đã bắt đầu hồi cuối tháng 6. Trong bài giáo lý thứ ba về thư Galát, Đức Thánh Cha trình bày chủ đề: “Chỉ có một Tin Mừng: nếu Tin Mừng được đón nhận cách đích thực sẽ mang lại tự do và ơn cứu độ”.
Trước bài giáo lý của Đức Thánh Cha, mọi người tham dự cùng nghe doạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát (1, 6-8): “Tôi lấy làm ngạc nhiên, khi thấy anh em trở mặt mau lẹ như thế với Đấng đã kêu gọi anh em nhờ ân sủng của Đức Kitô, để theo một Tin Mừng khác. Không có Tin Mừng nào khác đâu, mà chỉ có một vài kẻ phá rối anh em, và muốn làm xáo trộn Tin Mừng của Đức Kitô đó thôi. Nhưng nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi!”
Đoạn sách Thánh này cho chúng ta thấy rằng thánh Phaolô hiểu cuộc đời của ngài là một lời kêu gọi truyền giáo, một sứ mệnh mà ngài dấn thân hết sức. Đối với ngài, Tin Mừng là Kerygma, tức là lời loan báo về cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, mầu nhiệm vượt qua, trong đó Thiên Chúa thực hiện lời hứa của Người với Israel và ban ơn cứu độ cho mọi người. Bằng cách đón nhận Tin Mừng, chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa, Cha của chúng ta, được trở thành con cái và người thừa hưởng sự sống đời đời. Vì thế, khi thấy cộng đồng Galát có nguy cơ phải nghe những người giảng đạo giả và đi sai lạc con đường đức tin, thánh Phaolô mời gọi họ hãy trung thành với một Tin Mừng duy nhất, không phải là tuân giữ lề luật nhưng là đồng hình với con người của Chúa Giêsu Kitô, Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự chết và tội lỗi.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Ơn gọi loan báo Tin Mừng
Khi nói đến Tin Mừng và sứ mệnh rao giảng Tin Mừng, thánh Phaolô rất hăng hái nhiệt thành. Ngài dường như không thấy gì khác hơn ngoài sứ mệnh mà Chúa đã giao phó cho ngài. Tất cả mọi thứ nơi ngài đều được dành riêng cho việc loan báo này, và ngài không quan tâm điều gì khác ngoài Tin Mừng. Tình yêu, sự quan tâm, nghề nghiệp của ngài là loan báo Tin Mừng. Đến độ ngài nói: “Chúa Kitô không sai tôi đi làm phép rửa, nhưng để loan báo Tin Mừng” (1Cr 1, 17). Thánh Phaolô giải thích toàn bộ cuộc sống của ngài như một lời kêu gọi loan báo Tin Mừng: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Khi viết cho các Kitô hữu ở Roma, ngài giới thiệu về mình cách đơn giản: “Tôi là Phaolô, tôi tớ của Đức Kitô Giêsu; tôi được kêu gọi làm tông đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa” (Rm 1, 1). Đây là ơn gọi của ngài. Nói tóm lại, ngài ý thức rằng ngài đã được “chọn ra” để mang Tin Mừng đến cho mọi người, và ngài không thể không cống hiến hết mình cho sứ mệnh này.
Tin Mừng là ơn cứu độ được ban cho mọi người
Do đó, chúng ta có thể hiểu được nỗi buồn, sự thất vọng và thậm chí là sự mỉa mai cay đắng của thánh Tông đồ đối với người dân Galát, những người mà ngài thấy là đang đi sai đường, đang bị dẫn đến chỗ không thể quay trở lại. Tin Mừng là trung tâm, là trục mà mọi thứ xoay quanh. Thánh Phaolô không nghĩ đến “bốn sách Tin Mừng”, như một điều tự nhiên đối với chúng ta. Thật vậy, trong khi ngài gửi Thư này, chưa có cuốn nào trong bốn sách Tin Mừng được viết. Đối với ngài, Tin Mừng là điều ngài rao giảng, là kerygma, lời loan báo về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu như là nguồn mạch của sự cứu rỗi. Một Tin Mừng được diễn tả bằng bốn động từ: “Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi của chúng ta theo lời Kinh Thánh, Người đã được mai táng, và Người đã sống lại vào ngày thứ ba theo lời Kinh Thánh, và Người đã hiện ra với ông Kêpha, sau đó với Nhóm Mười hai” (1Cr 15, 3-5). Tin Mừng này là sự hoàn thành các lời hứa và ơn cứu độ được ban tặng cho tất cả mọi người. Ai đón nhận điều đó thì được hòa giải với Thiên Chúa, được đón nhận như một người con thật sự, và được thừa hưởng sự sống đời đời.
Tin Mừng mang lại tự do
Trước món quà tuyệt vời đã được dành cho tín hữu Galát, thánh tông đồ Phaolô không thể hiểu tại sao họ có thể nghĩ đến việc chấp nhận một “Tin Mừng” khác. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những Kitô hữu này vẫn chưa từ bỏ Tin Mừng đã được thánh Phaolô loan báo. Ngài biết rằng họ vẫn còn có thời gian để không đi một bước sai lầm, nhưng ngài cảnh báo họ một cách mạnh mẽ. Lập luận đầu tiên của ngài chỉ thẳng vào thực tế rằng lời rao giảng của các nhà truyền giáo mới không thể là Tin Mừng. Ngược lại, đó là một lời loan báo nhắm bóp méo Tin Mừng đích thực, vì nó ngăn cản họ đạt được tự do mà họ có được khi đến với đức tin. Các tín hữu Galát vẫn còn là những “người mới bắt đầu” và việc họ mất phương hướng là điều dễ hiểu. Họ chưa biết sự phức tạp của Luật pháp Môsê và lòng nhiệt thành tin tưởng vào Chúa Kitô khiến họ lắng nghe những nhà rao giảng mới và tự huyễn hoặc rằng sứ điệp của những người này bổ sung cho sứ điệp của thánh Phaolô.
Chỉ có một Tin Mừng: của Chúa Giêsu Kitô
Tuy nhiên, thánh tông đồ Phaolô không thể mạo hiểm để họ thỏa hiệp về vấn đề quan trọng như vậy. Tin Mừng chỉ có một và đó là Tin Mừng mà ngài đã loan báo; không thể có Tin Mừng khác. Hãy chú ý! Thánh Phaolô không nói rằng Tin Mừng đích thật là Tin Mừngcủa ngài bởi vì chính ngài là người đã loan báo nó, không! Đó là tự phụ, là sự khoe khoang. Đúng hơn, ngài khẳng định rằng Tin Mừng “của ngài”, chính là Tin Mừng mà các Tông đồ khác đã rao giảng ở nơi khác, là Tin Mừng đích thực duy nhất, bởi vì đó là Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy, ngài viết: “Thật vậy, thưa anh em, tôi xin nói cho anh em biết: Tin Mừng tôi loan báo không phải là do loài người, nhưng là chính Đức Giêsu Kitô đã mặc khải” (Gl 1, 11). Chúng ta có thể hiểu tại sao thánh Phaolô sử dụng những từ ngữ rất mạnh mẽ. Hai lần ngài sử dụng từ “anathema”, có nghĩa là cần thiết phải tách ra khỏi cộng đồng người đang đe dọa nền tảng của nó. Tóm lại, về điểm này, thánh Tông đồ tuyệt đối không thương lượng. Chúng ta không được thỏa hiệp: đức tin vào Chúa Giêsu không phải là món hàng để mặc cả. Đó là ơn cứu độ, là cuộc gặp gỡ. Không được bán rẻ!
Tính mới mẻ của Tin Mừng không phải là điều thoáng qua
Tình huống được mô tả ở phần đầu của lá thư có vẻ nghịch lý, bởi vì tất cả những người có liên quan dường như đều được thúc đẩy bởi những ý muốn tốt. Các tín hữu Galát lắng nghe những nhà truyền giáo mới, họ nghĩ rằng bằng việc chịu cắt bì, họ sẽ càng hết lòng thực thi ý muốn của Thiên Chúa và vì thế càng làm hài lòng thánh Phaolô hơn. Những kẻ thù của thánh Phaolô dường như được truyền cảm hứng bởi sự trung thành với truyền thống nhận được từ các tổ phụ và tin rằng đức tin chân chính bao gồm việc tuân giữ Lề Luật. Trước sự trung thành cao độ này, họ thậm chí còn biện minh cho những lời bóng gió và nghi ngờ của mình về Phaolô, người bị xem là không chính thống theo truyền thống. Bản thân thánh Tông đồ cũng nhận thức rõ rằng sứ mệnh của mình đến từ Thiên Chúa và do đó ngài hết sức nhiệt thành đối với sự mới mẻ của Tin Mừng. Sự lo lắng mục vụ khiến ngài trở nên nghiêm nghị, bởi vì ngài nhận thấy nguy hiểm trầm trọng mà các Kitô hữu non trẻ phải đối mặt. Nói tóm lại, trong mê cung của những mục đích tốt đẹp này, cần phải gỡ rối cho chính mình để hiểu được chân lý tối cao, được trình bày phù hợp nhất với Ngôi vị và lời rao giảng của Chúa Giêsu và mặc khải của Người về tình yêu của Chúa Cha. Vì lý do này, lời nói rõ ràng và dứt khoát của thánh Phaolô là lời chào đối với tín hữu Galát và cũng là lời chào đối với chúng ta.