MỘT ƯỚC NGUYỆN CHO NĂM MỚI:
SỐNG NIỀM VUI KHÔN NGOAN TRONG HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
Điều khôn ngoan đầu tiên mà mà gian lao đau khổ dạy mình: con người vốn mang thân phận mong manh và lệ thuộc nhiều thứ.
Chúng ta vừa trải qua một năm thật khó khăn, nhiều mất mát, nhiều đau thương và nhiều hoang mang. Lẽ thường, ai cũng mong rằng năm mới sẽ tốt đẹp hơn theo nghĩa là các thách đố và đau thương sẽ chấm dứt; người người chúc nhau gặp nhiều may mắn, dồi dào sức khoẻ, làm ăn thành công, tấn tài tấn lộc,… Âu cũng là những mong ước chính đáng, hợp lẽ! Tôi cũng cầu chúc cho mọi người phần nào được như vậy. Tuy vậy, như lời của nhà bi kịch cổ đại Aeschylus: “sự khôn ngoan có được nhờ đau khổ”, có lẽ chúng ta đã bỏ qua những cơ hội tìm kiếm khôn ngoan quý giá khi trở nên thái quá trong việc tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc, nghĩa là đã tìm mọi cách từ chối và trốn tránh đau khổ, coi nó như sự gián đoạn bất ưng của hành trình hạnh phúc. Chúng ta quên rằng sự bất toàn, thất bại, đau khổ và vô thường vốn là một phần của cuộc sống; và chúng đóng vai trò quan trọng giúp ta nên người. Hơn nữa, nếu nghiệm kỹ lại đời sống, có lẽ chúng ta đủ tầm nhìn thực tế hơn để không chờ đợi rằng mọi khó khăn và đau thương sẽ hoàn toàn chấm dứt. Vì vậy, tôi có một ước nguyện cho năm mới từ chính những đau thương của năm cũ, nhất là đau thương từ đại dịch Covid: mong sao con người đón nhận và biết đối diện với thực tại gian lao, đau khổ của đời sống để biết sông khôn ngoan hơn, nên người hơn.
Điều khôn ngoan đầu tiên mà mà gian lao đau khổ dạy mình: con người vốn mang thân phận mong manh và lệ thuộc nhiều thứ. Có lẽ càng ngày con người càng thêm ảo vọng về chính mình. Các khẩu hiệu, các định hướng giáo dục, các dự án khoa học hay kinh tế đều hướng theo các khái niệm ‘phát triển’, ‘làm chủ’, ‘chinh phục’, ‘thành đạt’, vv. Chúng khiến ta nghĩ rằng con người có khả năng kiểm soát được mọi thứ. Nhưng những con virut Corona đang nhắc chúng ta hiểu rằng não trạng đó chỉ là ảo tưởng. Thực tế năm cũ dạy ta rằng cuộc sống tự nó mang tính mầu nhiệm: nó vượt qua mọi mong muốn kiểm soát, mọi tính toán làm chủ của con người. Chẳng có ‘nghị quyết’ hay ‘sắc lệnh’ nào có thể giúp chúng ta khống chế được mọi tình huống; chẳng có tiến bộ khoa học kỹ thuật nào khiến chúng ta làm chủ được mọi biến cố có thể diễn ra; và cũng chẳng có vàng bạc nào mua thêm được một giây tuổi thọ! Con người, dù có những tiềm năng lớn lao, nhưng xét cho cùng, vẫn là hữu thể thật mong manh và giới hạn. Ý thức khôn ngoan này giúp ta biết tôn trọng sâu sắc đối với thực tế đa dạng và phong phú của đời sống, trong đó có những khía cạnh bất toàn và bất ưng. Nó cũng giúp ta biết đón nhận những nghịch cảnh của chính mình thay vì trở nên thất vọng chán nản, đồng thời biết tôn trọng những anh chị em đang gặp bất hạnh, những người thường bị gắn mác là ‘thất bại’.
Lẽ khôn ngoan thứ hai mà ta có thể nghiệm được là ý thức về thân phận trong thời gian của mình. Chúng ta đang sống như thể mình ở trên thời gian, tự sắp xếp lấy thời gian, trong khi chính thời gian sắp xếp chúng ta. Vì thế, thay vì tìm cách để đời mình được trải rộng trong sự đa dạng và theo chiều sâu của cuộc sống trong những khả thể phong phú được mở ra bởi thời gian, thì chúng ta lại tự đóng khung đời sống theo một vài tiêu chuẩn mà bản thân và xã hội đặt ra trước. Vì thế, cuộc tồn tại của ta trở nên nghèo nàn, đơn điệu hơn so với khả thể phong phú mà nó nên có. Một mặt, chúng ta bị điều kiện hoá, bị lệ thuộc quá nhiều vào vòng xoáy của thứ ‘môi trường cạnh tranh’, vốn cuốn ta vào cuộc tranh đua mù quáng theo tiêu chuẩn ‘thành công-thất bại’, mặt khác, chúng ta để yếu tố ‘duy kỹ thuật’ của thời đại ảnh hưởng và xâm chiếm hết phần không gian và thời gian tự do ít ỏi còn lại của mình. Hãy xét đến cách ‘thưởng thức âm nhạc’ của đại chúng làm ví dụ. Phần lớn giới trẻ ngày nay đều chìm mình trong dòng nhạc điện tử với nhịp điệu và tiết tấu nhanh. Tất nhiên, các dòng nhạc này có những giá trị và tính sáng tạo lớn lao, nhưng chúng cũng phản ánh tính hời hợt và nếp sống vội vã của cuộc sống hiện nay, tương ứng với đặc tính ‘điện tử’ của thời đại số, vốn tạo ra bởi nhịp bíp của 2 chữ số trong máy tính (1 và 0). Khía cạnh ‘số hoá’ đó đã len lỏi vào mọi phương diện của đời sống, và định hình nên những con người không khác nhiều các cỗ máy robot; và nội tâm ta, vốn có tiềm thể vô biên về chiều rộng, chiều sâu, đang ngày càng bị co rút lại như một quả bóng xẹp.
Những lẽ khôn ngoan nói trên là lời nhắc nhở giúp ta có hy vọng thoát khỏi tình trạng vong thân. Quả thế, như suy tư của nhiều triết gia, tiêu biểu là Heidegger và Buber, ảnh hưởng của thứ não trạng duy khoa học và công nghệ theo kiểu hiện đại có thể dẫn đến vấn nạn “làm giảm tính người” (de-humanization). Con người không còn thực sự gắn kết thực với những gì làm nên mình nữa, bị cắt đứt khỏi những nguồn cội căn bản, tự tách mình ra khỏi thế giới sống động làm nên mình: không thực sự ‘tiếp xúc’ với môi trường thiên nhiên, không tương tác kề cận với tha nhân. Nói cách khạc, chúng ta đang bị vong thân, hay xa lạ với chính thế giới mình và thậm chí chính mình. Chính hoàn cảnh biến động và mong manh của năm mới là cơ hội cho ta ý thức hơn về nhân tính, về thân phận con người.
Hoàn cảnh lo âu và đau khổ cũng có thể đánh thức tấm lòng ‘từ bi thông thái’ nơi chúng ta, giúp ta biết ra khỏi trạng thái vô tâm, thúc đẩy ta phải suy ngẫm về những trải nghiệm của mình và hướng về cảm xúc tha nhân. Ai cũng có lúc đau lòng, và việc cho phép bản thân cảm nhận được cảm xúc chung này là sợi dây liên kết chúng ta lại với nhau trong một mạng lưới của lòng từ bi, nhân ái. Người ta hay định nghĩa lòng trắc ẩn là “nhận thức sâu sắc về nỗi đau khổ của người khác cùng với mong muốn giải tỏa nó”. Nhưng, thiết tưởng, cách duy nhất chúng ta có thể nhận thức sâu sắc về nỗi đau khổ của người khác là chính mình phải có trải nghiệm về nó, phải mang vác nó. Chính đau khổ và niềm vui dạy ta cách đi vào mối đồng cảm, đưa chúng ta vào tâm hồn và trái tim của người khác, trong mối liên kết đó, ta biết được niềm vui và nỗi buồn của người khác như thể nó là của chính ta. Vì thế, không phải cứ khó khăn là điều nên tránh, hay cứ đau thương là không có niềm vui.
Với Ki-tô hữu, chính Đức Giê-su là vị thầy dạy ta sự khôn ngoan đó, bằng chính đời sống của Ngài. Khi mặc lấy xác phàm với tất cả mọi đặc tính hỉ nộ ái ố, và đặc biệt là trong thân phận người ‘tôi trung đau khổ’, Ngôi Lời đã nhắc lại cho ta biết về thân phận bản chất con người là gì; và Ngài đã chỉ cho ta con đường tìm thấy hạnh phúc đích thực: sống trọn vẹn thân phận đó dưới ánh sáng của niềm hy vọng tuyệt đỉnh đặt nơi Thiên Chúa, Đấng đã mang lấy thân phân của ta để nâng thân phận đó lên khi kết hợp cùng Ngài.
Ước gì, bên cạnh những phúc lành ‘may mắn’ mà mọi người có được trong Năm Mới, chúng ta nguyện ước cho nhau một phúc lành quý giá khác: biết sống niềm vui khôn ngoan ngay trong những hoàn cảnh bất ưng, để ta cảm nghiệm trở lại chiều rộng và chiều sâu của nhân tính, của cuộc đời, của thế giới.
Khắc Bá, sj.(dongten.net)